Chính vì vậy, "Nghiên cứu quy trình trồng cây thông đỏ để làm nguyên liệu sản xuất thuốc chữa bệnh" do thạc sĩ Vương Chí Hùng - Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Ðà Lạt - thực hiện cùng với nhóm tác giả nhằm thuần hóa cây thông đỏ (một loại cây rừng) thành cây trồng hướng thâm canh cây nông nghiệp có một ý nghĩa rất lớn. Trên cơ sở nghiên cứu, nhóm tác giả nói trên đã bước đầu đưa ra những thông số kỹ thuật phù hợp về điều kiện sinh thái, thời vụ, chế độ phân bón... để thâm canh trồng cây thông đỏ theo phương thức canh tác nông nghiệp tại vùng đất Lâm Ðồng - cái nôi cuối cùng của cây thông đỏ Việt Nam. Các nhà khoa học đã nghiên cứu được 49 dòng thông đỏ tự nhiên; và qua đó chọn lọc được chín loài thông đỏ cho hàm lượng hoạt chất 10-DAB III và ta-xôn cao. Ðây cũng đây là chín loài được chọn để tạo ra nguồn giống bằng phương pháp vô tính mới. "Mục tiêu của đề tài là thuần hóa một loài cây rừng lâu niên thành cây trồng nông nghiệp bằng các kỹ thuật nông nghiệp đơn giản để tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất dược liệu..." - anh Hùng cho biết.
Trung tâm Nghiên cứu trồng và chế biến cây thuốc Lâm Ðồng đã xây dựng một vườn ươm chia thành các khu vực giâm cành cây trên cát, khu vực tạo cây bén rễ trên bầu đất, khu đối chứng các chế độ chăm sóc cây. Nhân viên trung tâm chỉ tiến hành bón cây bằng phân vi sinh, hạn chế dùng các thuốc trừ sâu vì chúng có thể để lại dư lượng chất hóa học trên lá. Ðể đối phó với cỏ dại, chỉ nhổ bằng tay mà không dùng thuốc diệt cỏ vì có thể gây hại cho cây quý. Tất cả những phần hóa chất, liều lượng phân bón, chu kỳ tưới nước phun sương... đều do Trung tâm tự "pha chế" với những tỷ lệ bổ sung từng giai đoạn cho phù hợp nhất. Như vậy mới có nguồn nguyên liệu dược phẩm như ý muốn.
Cây thông đỏ được trồng với chế độ chăm sóc phân bón và nước tưới đầy đủ sẽ cho hàm lượng hoạt chất ta-xôn và 10-DAB cao gấp hai đến bốn lần so với cây thông đỏ tự nhiên, cao nhất trong lá là vào tháng 12. "Tuy cùng một quần thể nhưng những cây thông đỏ tự nhiên có hàm lượng 10 - DAB và ta-xôn khác xa nhau, hàm lượng các hoạt chất này mang tính di truyền nên phải chọn lọc kỹ các dòng cho hoạt chất cao để nhân giống, gây trồng nhằm bảo đảm chất lượng và hiệu quả nguồn dược liệu khai thác sau này" - thạc sĩ Vương Chí Hùng cho biết.
Cũng theo các nhà khoa học, các giống thông đỏ đã được chọn đang hứa hẹn một viễn cảnh tốt đẹp: sau khi trồng được 18 tháng, thông đỏ cho thu hoạch lần đầu, tiếp đến, cứ 2 - 2,5 tháng cho thu hoạch một lần. Sau một năm, cây sẽ cho thu hoạch 5 - 6 lần và tính trung bình, mỗi năm một cây thông cho thu hoạch hai tấn lá tươi.
Theo thạc sĩ Vương Chí Hùng, từ mười năm trước, các nhà khoa học đã di thực thông đỏ từ rừng Lâm Ðồng về vùng sông Hinh (Phú Yên) nhưng cây bị chết yểu. Anh cũng từng mạo hiểm thuê 3.000 m2 đất rồi hạ sơn loài cây này từ độ cao 1.300 - 1.500 m xuống 940 m ở thị trấn Liên Nghĩa (Ðức Trọng, Lâm Ðồng) nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Cuối cùng, anh cùng các cộng sự nghiên cứu trồng thông đỏ ở Tà Nung và Cam Ly (Ðà Lạt) nơi có độ cao tương ứng với địa điểm xuất hiện quần thể thông đỏ tự nhiên. Hiện chương trình nhân giống loại cây quý hiếm này ở Việt Nam đã bước đầu thành công và được đưa vào trồng thử nghiệm đại trà theo mô hình công nghiệp. Hiện tại, Trung tâm Nghiên cứu Trồng và chế biến cây thuốc Ðà Lạt đã trồng được bảy ha thông đỏ, trong đó có hai ha đang cho thu hoạch lá để cung cấp nguyên liệu cho Công ty Dược liệu TP Hồ Chí Minh.
Tại khu vườn này, thông chỉ mới cao độ hơn một mét nhưng cành lá lại xòe tán với đường kính có thể dài hơn cả chiều cao. Cả vườn thông đều tăm tắp, khoảng cách trồng cây cách cây và hàng cách hàng đều đúng chuẩn là một mét. Do trồng đến chừng 16 tháng tuổi nên cứ hai tháng trung tâm sẽ cắt cành lá thu hoạch một lần, mùa mưa khối lượng thu hoạch nhiều hơn mùa khô. Hiện năng suất thông đỏ ở cánh đồng tại Cam Ly và Tà Nung mới đạt 2,5 tấn khô/ha/năm. Nhưng đây là thông đỏ mới sinh trưởng, quy trình trồng và chăm sóc chỉ đang tiệm cận hoàn thiện. Khi nguồn giống đã thực sự thành thục, dự kiến trồng từ 16 tháng tuổi có thể thu được trung bình sáu tấn khô/ha/năm; và sẽ đạt từ 8,5 tấn khô/ha/năm trở lên khi trồng từ năm năm tuổi trở lên...
Thực tế cho thấy, chi phí đầu tư cho một héc-ta thông đỏ trong một chu kỳ sản xuất khoảng 150 triệu đồng. Chi phí này sẽ giảm xuống khi tiến hành trồng đại trà, bao gồm chi phí giống 40 triệu đồng, các khâu còn lại năm đầu 30 triệu đồng và các năm sau khoảng 10 triệu đồng. Xác suất cây con chết do sâu bệnh hay thời tiết vào khoảng 20%. Hiện nay, tại Tà Nung và Cam Ly, trung tâm đã trồng được 100 nghìn cây thông đỏ. Số cây con này được chiết từ những cây mẹ chất lượng có hàm lượng Ta-xôn rất cao. Qua thử nghiệm, các cây con từ năm tháng đến bốn tuổi từ vườn dược liệu này đều chứa lượng hoạt chất Ta-xôn khá ổn định. Với thành công này, các nhà khoa học Trung tâm Nghiên cứu Trồng và chế biến cây thuốc Ðà Lạt không chỉ giúp người dân Lâm Ðồng một hướng làm kinh tế hiệu quả mới, mà còn góp phần mở ra triển vọng trong việc sản xuất thuốc điều trị bệnh ung thư.
Theo Báo Nhân Dân